Thoát khỏi lối mòn tư duy trong Content Marketing
Ai cũng biết nội dung chính là “ông vua bà chúa” trong Inbound Marketing. Bạn muốn tạo ra những bài viết “đỉnh” và “độc”. Nhưng rồi nội dung của bạn hóa ra lại “đụng” tùm lum: từ ý tưởng, hình thức đến cảm xúc mang lại cho người xem: chán ngấy. Nó chán ngấy giống như cuộc hôn nhân nguội lạnh giữa bạn và khách hàng mà trong đó không hề có bất kỳ hành động “hâm nóng” nào từ bạn.
Nhưng trong thị trường được vây bủa bởi sự cạnh tranh này, có một sự thật ngược đời là khi bạn càng tạo ra sự khác biệt thì bạn càng tỏ ra… kém khác biệt. Sự thật là nếu có quá nhiều cải tiến về sản phẩm, chính sách giá, trong tiếp thị, trong quảng cáo, trong thiết kế bao bì… trong cùng một ngành hàng hoặc thị trường thì người dùng trong ngành hàng đó càng tỏ ra thờ ơ. Họ trở nên lãnh đạm với cái mới.
Thoát khỏi lối mòn tư duy trong Marketing
Bạn cần phải thoát khỏi lối mòn tư duy. Tư duy là cực kỳ quan trọng, nó là nơi mọi ý tưởng và quyết định hành động của chúng ta được hình thành. Nó càng quan trọng hơn khi ngày nay tư duy của chúng ta có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi môi trường bên ngoài quá nhiều. Bạn tạo lối mòn cho bản thân thì ít mà bạn đi theo lối mòn của người khác thì nhiều. Hàng ngày bạn (và khách hàng của bạn) được chào đón “nồng nhiệt” ở khắp nơi bởi đủ loại thông điệp: từ các tin nhắn tiếp thị lúc chưa mở mắt lúc sáng sớm, các cuộc gọi điện telesales trong lúc họp hành, các email khuyến mại ở tất cả các hộp thư, các quảng cáo giảm giá thì ngập tràn trên Facebook lẫn các Website mà bạn hay lui tới…
Bạn cần làm mới bản thân, nhưng không phải là làm khác đi chỉ để có cái khác, mà là thật sự đổi mới tư duy để thay đổi toàn bộ chiến lược tiếp thị của mình. Như Steve Jobs từng nói: bản chất của Marketing chính là thể hiện giá trị của bạn cho khách hàng. Giá trị mà bạn muốn khách hàng cảm nhận là gì? Giá trị đó có được tồn tại lâu dài hay không? Nó có khác hoặc tốt hơn so với đối thủ cạnh tranh hay không? Và nó có phù hợp với giá trị của doanh nghiệp hoặc chính cá nhân bạn hay không?
Inbound Marketing chính là chìa khóa giải mã những câu hỏi này, bởi vì nó xuất phát từ nội dung. Tất cả những giá trị mà bạn muốn khách hàng cảm nhận đều có thể được truyền tải qua những bài blog, hình ảnh, video clip, ebook, báo cáo ngành, hay những thông điệp truyền đi với tư cách doanh nghiệp lẫn tư cách cá nhân từ các nhân vật chủ chốt của doanh nghiệp. Và nó tận dụng Internet và mạng xã hội để lan truyền.
Tuy nhiên, việc tạo ra nội dung mới mẻ và sáng tạo là không phải chuyện đơn giản. Hầu hết những nỗ lực sáng tạo đều thất bại do người sáng tạo không vượt qua được sức ì trong tâm lý và cái bóng quá lớn của đối thủ hay thị trường. Thực tế là từ người xây dựng và người thực hiện chiến lược, từ CEO, giám đốc cho đến nhân viên tiếp thị đều cảm thấy khó tiếp cận với những ý tưởng mới mẻ và đột phá. Và khi họ có ý tưởng đột phá thì lại không đủ can đảm để triển khai nó. Bởi vì họ sợ thất bại. Nhưng hầu hết nỗi sợ đều xuất phát từ những thứ chưa hề xảy ra.
Trong bài viết dài gần 4500 từ này, tôi sẽ nói về lối mòn tư duy và các kỹ thuật để thoát khỏi lối mòn để áp dụng vào chiến lược Marketing nội dung của bạn. Tuy nhiên, những kiến thức này không chỉ có ích cho những người làm Marketing, mà nó còn là loại thuốc bổ nuôi dưỡng sức sáng tạo của những người chủ doanh nghiệp, dù cũ hay mới.
Lối mòn trong tư duy marketing là gì?
3 câu đố
Hãy trả lời thật nhanh các câu đố như sau trước khi nhìn vào đáp án bên dưới:
1. Con mèo nào đi bằng hai chân?
2. Con chuột nào đi bằng hai chân?
3. Con vịt nào đi bằng hai chân?
Nếu câu trả lời của bạn lần lượt là mèo Tom, chuột Mickey và vịt Donald thì xin trân trọng thông báo là bạn đã bị lừa. Vì ở câu hỏi thứ 3, con vịt nào cũng đi bằng hai chân, không chỉ là vịt Donald. (Ai trả lời đúng thì khả năng cao là đã biết câu hỏi này trước rồi!)
Lối mòn trong tư duy là gì?
3 câu đố trên là ví dụ sinh động cho cách mà bộ não của chúng ta vận hành khi tư duy. Chúng ta thường đặt đối tượng tư duy vào trong một bối cảnh cho trước, phát triển theo một cách cho trước, bằng những chất liệu cho trước. Sau đó, chúng ta đưa ra kết luận về đối tượng theo một “lối mòn” mà chúng ta không hề hay biết. Trong ví dụ trên, chúng ta đã vô tình giới hạn câu trả lời trong tập hợp của những nhân vật hoạt hình của Walt Disney.
Vậy có thể tạm đưa ra kết luận thế này: lối mòn tư duy là sản phẩm không thể tránh khỏi của quá trình tư duy lặp đi lặp lại của con người.
Định nghĩa này có 2 vế đáng phân tích:
Một là, lối mòn là sản phẩm của “quá trình tư duy lặp đi lặp lại của con người”. Khi một người mảm mê hay chìm đắm vào một suy nghĩ nào đó quá sâu hoặc quá lâu, họ sẽ tạo ra một lối mòn. Lối mòn tư duy tỉ lệ thuận với mức độ phức tạp của một ý tưởng hoặc một luồng suy nghĩ. Tức là nếu bạn càng suy nghĩ về một đối tượng quá nhiều, bạn càng sa lầy vào lối mòn của tư duy đó và càng khó để thoát ra.
Hai là, lối mòn tư duy là điều không thể tránh khỏi. Nó là sản phẩm rất tự nhiên và rất “con người”. Khỏi cần nghiên cứu thì chúng ta cũng tự hào rằng con người là loại động vật có khả năng tư duy cao cấp nhất trên hành tinh. Chúng ta có thể có những suy nghĩ phức tạp, đa chiều và phong phú. Nhưng đúng là trên đời không có cái gì hoàn hảo. Trong quá trình đó, chúng ta vô tình tạo ra vô số những “lối mòn trong tư duy”. Nhưng cần biết rằng nó không phải là thứ gì đó xấu xa: Ai cũng có lối mòn, lúc này hay lúc khác, hoàn cảnh này hay hoàn cảnh khác. Trẻ con thì có ít lối mòn. Người lớn thì càng ngày càng nhiều.
5 lạm bàn về lối mòn tư duy trong marketing
1. Một cặp vợ chồng quyết định ly dị. Hai đứa con nhỏ ở với mẹ và biết rằng bố của mình đã lập gia đình mới. Sau đó người vợ cũng lấy chồng. Hai đứa con sống với mẹ và nhận tiền trợ cấp của bố ruột.
Bạn đọc câu chuyện này và nghĩ rằng người đàn ông đã lừa dối vợ mình khi lăng nhăng với người khác? Thực ra là ngược lại. Khi trưởng thành người con có gặp lại bố mình và bất ngờ nhận ra người phản bội trong gia đình chính là người mẹ. Người bố là người phát hiện nhưng vẫn giữ im lặng trong suốt 1 năm dài để không làm ảnh hưởng đến cuộc sống hai đứa con.
2. Lối mòn cũng chính là đối tượng được nhắc đến của câu nói “Think outside of the box” – Hãy suy nghĩ ngoài cái hộp. Câu nói này khá nổi tiếng và đã trở thành khẩu hiệu của những người làm nghề sáng tạo. Sau này, Seth Godin (tác giả nhiều Best Seller về Marketing) đã nói “Nếu ai cũng muốn suy nghĩ ngoài cái hộp, thì có lẽ cái hộp đó đã trở nên quá nhỏ rồi”.
3. Nhân nói về cái hộp thì theo các nghiên cứu tâm lý, phụ nữ suy nghĩ theo hình “mạng”, còn đàn ông suy nghĩ theo dạng “hộp”. Phụ nữ sẽ đặt đối tượng đang suy nghĩ vào một mạng lưới các đối tượng khác nhau, và họ bắt đầu so sánh đối tượng đó với đối tượng khác. Bạn đừng ngạc nhiên nếu vợ bạn thường xuyên so sánh bạn với bố của họ, hay ông hàng xóm, hay chồng của bạn thân họ, hoặc người yêu cũ, hoặc nhiều khi là một nam diễn viên nào đó trong phim. Còn đàn ông thì “tập trung” hơn khi tư duy. Bởi vì họ ít bị phân tán nguồn lực để suy nghĩ về thứ khác, nên họ có khả năng đi sâu vào một đối tượng độc lập, phân tích, mổ xẻ và nhìn nhận ở mọi khía cạnh khác nhau. Thực ra cả hai lối suy nghĩ này đều có ưu điểm và nhược điểm riêng, nên chúng ta thường thấy có những công việc mà đàn ông làm tốt hơn phụ nữ và ngược lại.
4. Lối mòn tư duy cũng là nguyên nhân tạo ra thành kiến trong chúng ta. Thành kiến là thái độ yêu-hờn, thích-ghét của chúng ta về một người hay một sự vật, sự kiện nào đó. Nó không phải là kết quả xuất hiện tức thì hay một sớm một chiều, định kiến là thái độ của chúng ta được tích tụ trong một khoảng thời gian dài. Khi định kiến của chúng ta đủ lớn, chúng ta thể hiện thái độ đó một cách rõ rệt và quyết liệt hơn.
5. Ở một góc nhìn khác, lối mòn cũng tạo ra “kinh nghiệm”. Trong một số doanh nghiệp, một số người đề cao kinh nghiệm vì họ muốn có cùng một kết quả được tạo ra trước đó. Họ không cần đổi mới, họ chỉ cần xong việc là được. Đây là lý do mà một số vị trí tuyển dụng đặt kinh nghiệm lên hàng đầu. Tương tự, có một tranh cãi trong việc “đi làm thuê để lấy kinh nghiệm hay là khởi nghiệp luôn”. Nếu bạn chọn một mô hình kinh doanh cũ, không cần sáng tạo, thì hãy làm theo cách này. Đó là cách hoàn toàn đúng đắn, và hầu hết những người thành công hiện nay đã áp dụng cách thức này để phát triển doanh nghiệp.
Chiến lược bắt chước và theo đuôi hoàn toàn có thể mang lại thành công. Nhưng nếu bạn không đầu tư vào nghiên cứu, phát triển, tạo ra sự đổi mới một cách kịp thời, thì sớm muộn bạn sẽ bị kẻ khác đuổi kịp bằng chính chiến lược mà bạn đã áp dụng. Và đến cuối ngày, bạn tự hỏi bạn đã tạo ra được gì ngoài một cái bóng của người khác?
Thực ra lối mòn có một lợi ích
Lối mòn tư duy không phải chỉ toàn tác hại. Nó mang lại chúng ta một lợi ích rõ ràng.
Nhờ lối mòn mà chúng ta có thể khám phá bản chất sâu bên trong một ý tưởng, một vấn đề, một sự việc, sự kiện bằng cách dành nhiều thời gian suy nghĩ về nó, trong khi việc suy nghĩ “phớt” qua không thể giúp được. Khi tạo ra lối mòn cho một chủ đề nào đó, bạn sẽ không phải mất thời gian để tiếp cận vấn đề này ngay từ đầu. Kết quả là dần dần bạn sẽ trở thành một chuyên gia với lượng kiến thức sâu sắc trong lĩnh vực đó.
Steve Jobs và Bill Gates không chỉ là những người đã thay đổi thế giới mà còn là những người thành công trong công việc (hiển nhiên rồi). Tuy vậy, ít người biết rằng họ là những người “chúa trì hoãn”. Trong một cuộc phỏng vấn, Bill thừa nhận mình thường “nước tới chân mới nhảy”. Thói quen này xuất phát từ hồi còn học ở Harvard. Còn Steve cũng được nhiều người nhận định là hay chần chừ trước khi ra quyết định. Thật ra, những bậc thầy sáng tạo đều biết cách tạo ra cùng lúc “nhiều lối mòn” khác nhau để tạo ra nhiều kết quả tư duy khác nhau. Và sau cùng là họ chọn ra một ý tưởng tốt nhất trong số đó. Đối với nhiều người, trì hoãn là kẻ thù của hiệu quả công việc, nhưng với những người cần sáng tạo, trì hoãn đôi khi sẽ cung cấp thêm nhiên liệu “sạch” để họ có thể đưa ra được những ý tưởng mới táo bạo và đột phá hơn. Hãy dành thời gian nhiều hơn nếu bạn thấy cần thiết. Nhưng đừng bao giờ từ bỏ. Ý tưởng mới sẽ đến, miễn là bạn kiên trì.
Dấu hiệu để nhận ra lối mòn
Ngoài lợi ích trên thì bạn cần thoát khỏi lối mòn nếu rơi vào một trong những tình trạng sau:
- Khách hàng không phản ứng với thông điệp Marketing theo cách bạn muốn nữa.
- Nội dung bạn tạo ra na ná giống với những cái trước
- Bạn cảm thấy sản phẩm của mình quá tầm thường và kém hấp dẫn
Đó là dấu hiệu để bạn có thể làm mới mình. Việc cần làm trước tiên là phải tìm cách thoát ra khỏi lối mòn và tìm ra những ý tưởng mới lạ và đột phá hơn.
Thoát khỏi lối mòn tư duy marketing bằng cách nào?
Để thoái khỏi lối mòn, chúng ta cần xác định môi trường khiến chúng ta lặp đi lặp lại cùng một sự lựa chọn. Và sau đó là tìm cách phá vỡ môi trường đó. Không một hoàn cảnh, ông sếp, nghề nghiệp, xu hướng, quá trình, môi trường nào có thể nhấn chìm bạn hoàn toàn trong lối mòn nếu bạn thực sự muốn hành động để thoát khỏi nó. Việc thoát khỏi lối mòn không phải là chuyện một sớm một chiều. Nó đòi hỏi thời gian và công sức, không phải chỉ để thoát ra khỏi nó, mà còn là để không quay trở lại nó. Bởi vì lối mòn giống như một thứ thuộc phiện. Nếu bạn không để ý, bạn hoàn toàn có thể tái nghiện dễ dàng.
Một số người thường dùng một số kỹ thuật sáng tạo như brainstorm, vẽ bản đồ tư duy (mindmap), hoặc hỏi ý kiến người khác. Về cơ bản, chúng chỉ có thể giúp bạn tạm thời thoát khỏi lối mòn ngắn hạn. Nhưng lối mòn có thể tồn tại ở những hình thái dài hạn hơn. Cho nên bạn cần phải áp dụng những phương pháp phù hợp đối với mỗi loại lối mòn khác nhau. Có một số loại lối mòn tư duy như sau:
Lối mòn ngắn hạn
Nó là loại lối mòn khiến bạn đưa ra những lựa chọn giống nhau một cách vô thức hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Ví dụ, bạn chọn một tuyến đường giống nhau để đi làm mỗi buổi sáng, và cùng một tuyến đường đi về nhà mỗi buổi chiều. Hoặc khi bạn phối hợp quần và áo mỗi ngày giống nhau để đi ra đường: quần tối & áo sáng hoặc áo tối & quần sáng; áo có họa tiết & quần trơn hoặc ngược lại. Bạn chải một kiểu tóc mỗi ngày. Dân văn phòng là vậy. Còn dân thiết kế thì dù ăn mặc tự do hơn, nhưng sẽ chọn cùng hình dạng, cùng một loại font chữ như nhau cho các thiết kế. Dân mỹ thuật sẽ chọn cùng một loại màu để vẽ. Nhà văn thì viết sách theo một phong cách giống nhau. Marketer thì dùng một kiểu viết nội dung tiếp thị. Đây là dạng lối mòn phổ biến nhất.
Thói quen: nơi lối mòn trú ngụ thường xuyên
Ai mà chẳng có thói quen. Tôi có toàn thói quen tốt, dại gì lại thay đổi? Vấn đề nằm ở chỗ: bạn có thói quen cũ thì bạn sẽ tạo ra những hành vi cũ, và kết quả từ những hành vi đó sẽ không bao giờ khác đi.
Hãy thử cách này: Kiểm tra lại những thói quen mà bạn đang lặp đi lặp lại hàng ngày, hàng tuần hoặc hàng tháng. Hãy chọn một trong các thói quen này và thay đổi nó, trong khi vẫn thực hiện các thói quen khác. Bằng cách này, bạn sẽ nhận ra một cách có ý thức rằng đúng là mình có một số thói quen, và quan trọng hơn là bạn sẽ biết là bạn đang bỏ lỡ những cơ hội nào nếu thực hiện khác đi.
Thay đổi thông tin tiếp nhận: Khi bạn thấy những gì bạn tạo ra trở nên quá quen thuộc và thiếu sáng tạo thì đã đến lúc bạn phải tiếp nhận các thông tin khác mới lạ hơn, bởi vì thông tin đầu vào sẽ quyết định thông tin đầu ra. Thông tin bạn tiếp nhận hàng ngày đến từ rất nhiều nguồn: những người bạn, các sếp, khách hàng, đồng nghiệp; những trang web bạn hay xem, những tờ báo, Newsfeed của bạn đến từ những người quen thuộc; bạn nghe những loại nhạc giống nhau; xem những bộ phim giống nhau; nói những điều giống nhau mỗi ngày.
Tại sao không thử những thứ mới lạ hơn? Tôi không đủ khả năng khuyên bạn bỏ công việc hiện tại để kiếm công việc mới lạ hơn. Không thể. Nhưng ít nhất bạn có thể chuyển sang xem một kênh TV mà bạn chưa bao giờ xem phải không nào? Trải nghiệm mới mẻ mang lại nhiều thứ hơn bạn nghĩ. Những hoạt động mà bạn lần đầu thực hiện hoặc ít khi thực hiện như chạy xe đạp đi làm, đi du lịch ở những nơi bạn chưa đi bao giờ, tham gia các khóa học đàn, học võ, hoặc học lập trình… Những trải nghiệm đó sẽ được lưu giữ trong đầu bạn dưới dạng những chất xúc tác mà khi bạn gặp một vấn đề liên quan cần giải quyết, những trải nghiệm đó sẽ giúp chúng bùng cháy và giúp bạn đưa ra những giải pháp khác biệt.
Ngoài ra bạn có thể:
- Dành khoảng 10-15 phút mỗi ngày để đi bộ ngoài văn phòng làm việc
- Vẽ nghuệch ngoạc hoặc làm một việc gì đó để tay chân bận rộn hơn chẳng hạn chơi rubik hoặc gấp giấy.
Lối mòn trung hạn
Lối mòn này khiến một ý niệm lởn vởn trong đầu bạn trong vài tuần hoặc có khi vài tháng. Hãy thoát khỏi lối mòn trung hạn bằng cách:
- Tham gia một khóa học về một chủ đề hoặc kỹ năng mà bạn không biết gì hoặc biết rất ít.
Bạn có thể tham gia các khóa ngắn hạn ở các trung tâm gần nhà, hoặc có thể lên mạng và có hàng ngàn khóa học online miễn phí hoặc có phí mà bạn có thể học ngay lập tức.
- Dành các buổi tối trong tuần hoặc cuối tuần để thực hiện một dự án nhỏ mà bạn có đam mê nhưng chưa có thời gian để thực hiện.
Công việc hàng ngày có thể rất nhàm chán và căng thẳng, cho nên một dự án xuất phát từ đam mê có thể sẽ là một nguồn năng lượng mới mẻ để bạn tiếp tục các công việc mà bạn đang làm hàng ngày.
- Thay đổi cách bạn đi du lịch.
Không một trải nghiệm nào mới mẻ hơn khi bạn đang ở một nơi hoàn toàn xa lạ. Não bộ của bạn sẽ phải hoạt động liên tục khi đi du lịch vì những thói quen ở nhà của bạn sẽ bị thay đổi hoàn toàn: từ cách ăn uống, ngủ nghỉ, cách nói chuyện, cho đến khí hậu, văn hóa, phong cảnh. Nhưng đừng chỉ nằm suốt ở khách sạn, hãy đi bộ khám phá địa phương, nói chuyện với người dân xung quanh. Hoặc thay vì chụp hình, hãy thử quay phim kèm theo những lời bình dí dỏm của bạn trong video.
- Tham gia một workshop về kỹ năng nào đó mà học viên phải tham gia một số trò chơi, hoạt động mang tính chất tương tác và hành động nhiều hơn.
Đừng ngại khi tham gia, khi mọi người xung quanh đều chơi, bạn sẽ sẵn sàng liều lĩnh.
- Dự các hội thảo liên quan đến chủ đề mà bạn quan tâm.
Nhưng hãy chọn những hội thảo mà bạn có thể nói chuyện với người khác nhau, và nên tránh những hội thảo mà chỉ có một người nói và những người còn lại chỉ ngồi nghe.
- Thành lập một nhóm bạn để thường xuyên bàn về những chủ đề tất cả quan tâm. Mọi người sẽ cung cấp những góc nhìn khác mà bạn không nhận ra.
Lối mòn dài hạn
Lối mòn dài hạn được tạo ra chủ yếu ở những thời điểm quyết định cuộc đời của bạn. Cách bạn đưa ra những lựa chọn quan trọng sẽ quyết định số phận của bạn. Để thoát khỏi lối mòn dài hạn, bạn phải bắt đầu làm những việc mà bạn “sợ”, và biến nỗi sợ đó thành nguồn động lực để đưa ra những quyết định mang tính bước ngoặt.
“Tái cấu trúc” cuộc đời
Ai cũng có ưu tiên trong cuộc đời của mình. Đây là lúc bạn cần xem xét lại bạn có nên thay đổi ưu tiên hiện tại hay không? Nếu có thì hãy xem bạn đã dành tất cả nguồn lực của mình để thực hiện các ưu tiên đó hay chưa? Hãy từ bỏ những thứ ít quan trọng hơn. Bạn cần tìm ra nguyên nhân gây ra lãng phí thời gian và tập trung vào những hoạt động mà bạn ưu tiên. Bạn có đang dành quá nhiều thời gian xem TV thay vì phải tập trung đọc 1 quyển sách mỗi tháng về lĩnh vực mà bạn cần nắm vững? Bạn có dành tiền quá mức cần thiết cho quảng cáo thay vì cải tiến sản phẩm của mình hay không? Bạn có đang ngủ hơi nhiều mỗi ngày hay không? Hay bạn có đang dành thời gian hơi nhiều cho việc mua sắm hay không?
Làm một việc mà bạn thấy cực khó
Một việc khó sẽ giúp bạn nâng cao sự tập trung, sự quyết tâm, kỹ năng và kiến thức. Hãy thực hiện một công việc mà bạn cho là khó đối với cá nhân bạn. Tạo một website, viết một quyển sách, làm một đoạn video clip, hoặc thực hiện một buổi thuyết trình. Nói chung là một việc đòi hỏi nhiều công sức, thời gian, trí tuệ. Khi bạn hoàn thành nó, năng lực của bạn sẽ đạt đến một trình độ mới mà trước đây bạn nghĩ bạn sẽ không bao giờ đạt được. Loại công việc này sẽ giúp bạn nâng cao sự tự tin rất lớn khi hoàn thành.
Tìm một mentor trong lĩnh vực của bạn
Một mentor tốt cung cấp cho bạn kiến thức. Nhưng một mentor xuất sắc sẽ đem đến cho bạn sự thông thái. Kiến thức là những gì bạn biết. Nhưng sự thông thái đem lại cho bạn sự thấu hiểu và trải nghiệm. Một người mentor không hẳn là phải lớn tuổi hơn bạn, mà là người có nhiều trải nghiệm hơn bạn trong lĩnh vực mà bạn muốn khám phá, giúp bạn đưa ra những quyết định đúng đắn ngay từ ban đầu.
Hãy thử áp dụng các kỹ thuật trên vào cuộc sống hàng ngày của mình. Ít nhất bạn cũng sẽ cảm thấy mọi thứ bớt nhàm chán và cuộc sống nhiều màu sắc hơn. Chúc bạn thành công với chiến lược Marketing Nội dung của mình.
Tào Xuân Minh (QTvKN)
Tổng hợp 1000+ bài viết tuyển chọn độc quyền từ những chuyên gia hàng đầu về Quản trị, Kinh doanh, Đầu tư, Marketing:
- 255 bài viết về digital marketing và marketing truyền thông từ lý thuyết đến thực chiến Phần 1
- 255 bài viết về digital marketing và marketing truyền thông từ lý thuyết đến thực chiến Phần 2
- 121 bài viết Marketing chọn lọc dành cho người khởi nghiệp, chủ doanh nghiệp nhỏ
- Những bài viết chọn lọc hay nhất về marketing cập nhật 2022
- 125 bài viết về xây dựng doanh nghiệp với các đề tài: Nhân lực, quản lý vốn, thương hiệu, kinh doanh…
Bình luận về “Thoát khỏi lối mòn tư duy trong Content Marketing”
Trả lời Hủy
Bài viết liên quan
Brand & Content: Chỉ có cá chết mới trôi theo dòng!
Vì sao cá sống cứ phải bơi ngược dòng? Khoa học đã chứng minh, có hai sự thật mà bạn không thể ngờ! 1. Phương hướng trong chiến lược thương hiệu và chiến lược content Sự thật thứ nhất, bơi ngược dòng rất chậm và mệt, nhưng có thể kiểm soát được phương hướng. Trong..
Âm nhạc “làm sống” lại quảng cáo của bạn?
Chúng ta có thể nhắm mắt nhưng không thể “nhắm” đôi tai. Ông Mark Barber, một chuyên gia âm nhạc, đã kết luận đơn giản như vậy để chứng minh vai trò quá lớn của âm nhạc trong đời sống thường nhật của mỗi người. Những đứa trẻ sơ sinh học cách giao tiếp đầu..
Doanh nghiệp SME – Tự làm Content Marketing với 5 bước đơn giản
Content Marketing đang cho thấy những điều bất ngờ từ sự hiệu quả của nó. Việc triển khai và xây dựng một chiến lược Marketing Online cùng với Content Marketing là điều cần thiết với mỗi doanh nghiệp. Tuy vậy nếu là một doanh nghiệp SME thì bài toán chi phí thuê Agency chuyên nghiệp..
Giống như đang đọc cuốn success through a positive mental attitude
Bài viết khá dài nhưng rất hay và hữu ích, không uổng thời gian ngồi đọc bằng hết
Đọc bài của bạn mới thấy bản thân mình bỏ lỡ quá nhiều thứ. Cảm ơn bạn
Cảm ơn anh đã chia sẻ kiến thức rất bổ ích. Về lối món tư duy em có đọc được 1 quyển sách rất hay muốn chia sẻ với mọi người luôn. Nó nói về cơ chế hoạt động của tư duy, cách xử lý vấn đề của ý thức – tiềm thức. Đó là quyển “Thinking fast and slow”, đã có bản tiếng Việt. ^^
Mình cũng có đọc một nửa quyển đó. Khá khó đọc nhưng rất hay. Nhưng mình mới khám phá ra là việc áp dụng nó còn khó hơn đọc.